Chương 8: Duy nhất sạch sẽ và thẳng thắn thành khẩn

Duy nhất sạch sẽ và thẳng thắn thành khẩn

Lần tiếp theo Khương Dư Sanh nhìn thấy Bạc Tô trên Bành đảo, là vào tiết Thanh minh trong tháng Tư.

Mưa xuân tầm tã, lại rơi thêm mưa rào liên tục hai ngày nữa, cuối cùng bầu trời Lộ Thành cũng xanh trong trở lại. Khương Dư Sanh báo với Trì Kỳ nghỉ phép một hôm, mang theo đồ viếng, chổi và lưỡi hái nhỏ, đi lên núi tảo mộ của bà cụ Bạc - bà nội Bạc Tô.

Lúc bà cụ qua đời, việc đổi phong tục chôn cất còn chưa hoàn toàn được thi hành, hoả táng và nghĩa trang cũng chưa hoàn toàn được tiếp nhận ở Bành đảo, những người có chút của cải lúc đó vẫn thích dựa theo truyền thống cũ, chọn một chỗ phong thuỷ tốt trên núi theo như lời thầy phong thuỷ chỉ dẫn, xây dựng phần mộ ở đó nhằm bảo vệ hậu thế sau này.

 Bạc Lâm cũng không ngoại lệ. Khi đó sự nghiệp của ông ta đang phát triển không ngừng, không thiếu tiền cũng không thiếu nhân lực, vậy nên rất coi trọng thanh danh và phong thuỷ, chuyện hậu sự của mẹ già được ông ta chú trọng đến vô cùng hoàn mỹ.

Mộ của người khác, nhiều nhất chỉ mấy mét vuông, trám xi măng, lát một cái hồ theo phong thuỷ  (*) là đủ rồi, ông ta thì không như thế, không chỉ muốn xây thật to, ông ta còn muốn thợ xây ra sức trải gạch men sứ, lót đá cẩm thạch, cho nên lúc ấy hàng xóm là những người già trên Bành đảo đều cực kỳ hâm mộ, nói sinh con chỉ cần được như Bạc Lâm là tốt quá rồi. Trong lúc nhất thời hoàn mỹ đến độc nhất vô nhị.

Đáng tiếc ngày vui ngắn chẳng tày gang, không được quá mấy năm, chuỗi tài chính của Bạc Lâm bị đứt gãy, công ty phá sản, nợ nần chồng chất, sống không thấy người chết không thấy xác, phần mộ xa hoa này, từ ấy cũng không có người đến thăm viếng nữa, trở nên hoang tàn cô độc.

Lúc Khương Dư Sanh mới trở về Bành đảo, vì phải chọn địa điểm mở quán và một số nguyên nhân khác, nàng thường xuyên đi gặp Trang Truyền Vũ vốn đã có kinh nghiệm để bàn bạc. Có một lần gặp được ba của Trang Truyền Vũ, ba người liền ngồi xuống uống trà cùng ôn chuyện xưa, không biết thế nào, ông ấy nhắc đến Bạc Lâm, hỏi tới Bạc Tô, cuối cùng cảm khái, phần mộ của bà cụ Bạc, trong mười năm nay chưa từng có người đến quét dọn, đất cằn, lá rụng đầy đến mức gần như cao hơn phần bia mộ, trông thật sự thê lương.

Ông cảm khái thế sự dễ thay đổi, vận mệnh vô thường.

Khương Dư Sanh nghe cũng không chịu nổi.

Không thể nói đối với bà cụ Bạc hay đối với Bạc Lâm nàng có cảm tình sâu đậm, nhưng trong những năm ấy, nhận được sự chiếu cố của nhà họ Bạc và Bạc Tô cũng không phải là giả. Khương Dư Sanh không cách nào nghe xong lại giả vờ như không biết.

Trong lòng nàng không thể tự mình cho qua được.

Vì thế từ năm đó bắt đầu, năm ấy tiết Thanh minh, năm thứ hai tiết Thanh minh, năm nay tiết Thanh minh, nàng đều mang đồ lên thăm viếng.

Nàng cầm lưỡi hái nhỏ, không quá vừa tay mới dùng để cắt đi những ngọn cỏ dại dài ngắn đủ kiểu mọc trong đống bùn đất cạnh ngôi mộ, duỗi thẳng eo nghỉ ngơi, tuỳ ý thoáng nhìn, liền thấy một người phụ nữ mặc áo khoác dài, quần tây màu trắng, mang giày cao gót, khuôn mặt như tuyết ý thanh hàn, chi lan dục tú từ con đường mòn trên núi chậm rãi tiến đến. Thanh lãnh trang nhã tựa gốm sứ trắng trong, xinh đẹp xuất trần tựa núi biếc viễn phù. 

Thế nhưng là Bạc Tô.

Khương Dư Sanh ngẩn người.

Bạc Tô mang theo lẵng hoa, từ xa tới gần đây.

Khương Dư Sanh nắm chặt đuôi lưỡi hái trong tay, hỏi: "Sao chị lại ở đây?"

Bạc Tô đứng trên nền đất bằng phẳng phía dưới, ngước mắt nhìn nàng, bình tĩnh đáp: "Chị tới tìm em." Cô khom lưng đặt lẵng hoa ở trước ngôi mộ, giải thích: "Chị đến đây để ghi hình chương trình lần trước đã bàn, mang theo một ít đồ ăn nổi tiếng ở Bắc Thành cho em và Truyền Vũ, Truyền Vũ nói em lên núi tảo mộ rồi, nên chị đến đây."

Nguyên văn lời nói của Trang Truyền Vũ thật ra là: "Ôi, hoá ra người chân chính họ Bạc còn ở đây à, thì ra nhà họ Bạc vẫn còn có người cơ đấy, cũng không biết cậu gấp làm gì nữa cô chủ quán mờ mắt kia ơi."

Vô cùng âm dương quái khí, Quản Thanh và Chung Hân cũng trùng hợp đến chỗ Trang Truyền Vũ đưa đồ đều không hiểu gì, nhưng Bạc Tô lại nghe hiểu.

Cô hỏi Chung Hân: "Bà chủ của mọi người đâu?"

Chung Hân nói: "Bà chủ hôm nay đi tảo mộ."

Bạc Tô liền đoán được Khương Dư Sanh ở chỗ này.

Cô vuốt ve khối bia mộ bóng loáng sạch sẽ nhưng lạnh băng kia một chút, cởi áo khoác ra, đặt trên trụ mốc đá, sau đó giày cao gót bước lên sườn ngôi mộ nơi Khương Dư Sanh đang đứng, duỗi tay về hướng nàng ý muốn cầm lấy lưỡi hái.

Năm ngón tay thon dài, trắng nõn như ngọc cốt, thoạt nhìn qua không giống như là có thể làm việc này. Khương Dư Sanh nhìn đôi giày cao gót xinh đẹp dính đầy bùn đất của cô, đoán sau khi rời thuyền cô đến chỗ Trang Truyền Vũ, nghe Trang Truyền Vũ nói nàng ở chỗ này liền trực tiếp đến đây.

Không muốn giẫm đạp lên cái đẹp như cô, nàng không đưa lưỡi hái cho Bạc Tô, chỉ nói: "Không cần đâu, cỏ cũng dọn gần xong rồi, chị ép tiền giấy xung quanh ngôi mộ đi."

Bạc Tô trầm mặc một chút, đáp ứng: "Được."

Lại đi xuống.

Cô nhặt một cục đá, khom lưng, đi xung quanh mộ, hết một lần, đè ép tiền giấy thành một vòng. Khương Dư Sanh đứng ở trên cao, cắt bỏ hai dúm cỏ cuối cùng, cũng đi xuống, dùng khăn ướt lau khô tay, cùng Bạc Tô bày đồ cúng ra.

Tất cả đồ cúng đều được đặt ở trước mộ bia, Khương Dư Sanh cắm lên ba nén nhang dài mảnh, hỏi Bạc Tô: "Có nhìn thấy bật lửa không?"

Bạc Tô còn đang đứng bên cạnh chiếc rổ để lấy đồ, đáp: "Để chị tìm xem."

Cô ngồi xổm xuống bên cạnh chiếc rổ đựng nhiều đồ mà Khương Dư Sanh mang đến, lấy bật lửa ra: "Có."

Cô đến gần, đưa bật lửa cho Khương Dư Sanh.

Khương Dư Sanh không quay đầu lại, vô thức duỗi tay muốn trực tiếp cầm lấy. Một người đưa một người lấy, động tác tự nhiên đến mức giống như đã diễn ra vô số lần, không cần phải cố ý phản ứng, chỉ đơn thuần là thói quen từ trong ký ức của cơ thể. 

Nàng chạm vào bật lửa, cũng chạm đến tay Bạc Tô.

Cảm giác tựa như chạm vào một khối ngọc, tinh tế mà lạnh lẽo.

Khương Dư Sanh giật mình trong lòng.

Nàng cuộn lại những đầu ngón tay, nhanh chóng lấy bật lửa từ tay Bạc Tô ra, đưa đến đầu nén nhang, quay đầu lại, muốn vờ như không có chuyện gì hỏi Bạc Tô: "Có muốn dùng bút sơn mài viền lại tên của bà lão không?", không ngờ vừa mới quay đầu lại đã lập tức nhìn đến đôi mắt sáng trong mà sâu thẳm của Bạc Tô.

Cô vẫn luôn nhìn nàng, dưới đáy mắt hình như có sương mù nặng nề, Khương Dư Sanh phân không rõ. Ánh mắt chạm nhau, Bạc Tô rõ ràng đã thu lại cảm xúc, thực nhạt nhẽo khách khí cười một chút.

Khương Dư Sanh giật mình.

Bạc Tô nói: "Cảm ơn em đã đến quét mộ bà nội."

Khương Dư Sanh quay người lại, không nhìn cô, thắp hương lên.

Nàng đáp: "Không cần khách sáo, tôi cũng có tư tâm, hy vọng nếu bà lão ở dưới suối vàng có thu vào mắt, ít nhiều sẽ để ý đến tôi, phù hộ tôi ở trên Bành đảo thuận buồm xuôi gió, không tai không ương."

Bạc Tô không nói nữa, Khương Dư Sanh cũng im lặng, chỉ còn ánh lửa lập loè trên những nén hương đang cháy dần, khói theo gió lượn lờ trôi về phía chân trời, phiêu tán ở giữa dòng bụi mờ.

*

Bà cụ Bạc qua đời vào năm thứ hai sau khi Khương Dư Sanh vào nhà họ Bạc ở.

Không hề có dấu hiệu, một bà cụ xưa nay vô cùng khoẻ mạnh, chỉ nghe qua có một chút cao huyết áp, vào một đêm xuân bình thường đến mức tầm thường, ngủ một giấc, lại không thể nào tỉnh dậy được nữa.

Bạc Tô là người đầu tiên phát hiện ra chuyện này.

Sau khi ngủ dậy cô nhận ra bà lão không có chuẩn bị bữa sáng, cửa lớn của căn biệt thự cũng không được rộng mở sẵn như thường ngày ------ bà cụ cho rằng trong nhà phải đón được ánh mặt trời, như vậy mới có thể đẩy lùi âm khí, nên mỗi ngày sau khi bà lão thức dậy, chuyện đầu tiên bà làm là mở cửa căn biệt thự rộng ra, cho ánh sáng tiến vào.

Đây là chuyện chưa từng diễn ra kể từ khi cô rời Bắc Thành đến đây sống.

Trong tâm cô nhận ra điểm bất thường, lập tức đến gõ cửa phòng bà cụ. Cửa phòng đóng thật chặt, một tiếng trả lời cũng không có, Bạc Tô liền trực tiếp mở cửa đi vào.

Bà lão không có khoá cửa, cũng không kéo màn ra, ngoài cửa sổ, cây già đã tạo ra mầm non mới, chim sẻ hót ríu rít, vạn vật sinh sôi sống động, bà lão lại ngưỡng mặt nằm trên giường, im hơi lặng tiếng, sắc mặt trắng bệch.

Bạc Tô không tự chủ được mà lui về sau một bước.

Nhưng sau khi lấy lại bình tĩnh, cô vẫn bước đến bên giường, gọi bà: "Bà nội."

Cô rất ít khi mở miệng gọi người khác, dù là "Ba" hay "Bà nội", cho nên bà lão cũng không quá vừa lòng với cô, thỉnh thoảng bất đắc dĩ cô mở miệng gọi bà, bà lão cũng sẽ dựa vào tâm tình của mình, nói móc cô hai câu, nhưng lúc này đây, bà lão vẫn như cũ không có động tĩnh gì.

Một ý nghĩ đáng sợ dâng lên trong đầu Bạc Tô.

Cô thăm dò mà duỗi tay kiểm tra hơi thở của bà lão, không hề có bất kỳ dòng khí nào ở nơi đó.

Cô giật mình, đẩy thân thể của bà lão một cái khá mạnh, bà lão vẫn như trước đó không hề nhúc nhích.

Bạc Tô thu lại bàn tay đang run rẩy, vành mắt vô thức phiếm hồng, đứng tại chỗ ngẩn ngơ hai giây, sau đó rời khỏi phòng, đến phòng khách dùng điện thoại bàn, trước hết gọi cho 120, báo rõ ràng địa chỉ, xong rồi gọi cho Bạc Lâm, nghe theo chỉ dẫn của Bạc Lâm tìm ra danh bạ điện thoại, gọi cho họ hàng xa của nhà họ Bạc trên Bành đảo, từng người từng người, nói năng mạch lạc, truyền đạt đâu vào đấy hết thảy, cô mới đi lên lầu báo cho Khương Dư Sanh.

Lúc đó Khương Dư Sanh còn đang rửa mặt trong nhà vệ sinh, nghe Bạc Tô nói: "Hình như bà lão qua đời rồi." Ngơ ra vài giây, mới hỏi: "Bà lão nào?"

Bạc Tô đáp: "Bà lão sống dưới lầu."

Khương Dư Sanh lại ngốc ra.

Bạc Tô không biết là nàng không phản ứng kịp, hay là bị doạ sợ đến choáng váng, nhưng cô đã không có thời gian để nói nhiều hơn với nàng. Cô nghe thấy có người đã gõ ở bên ngoài cánh cửa dưới lầu, chắc hẳn là một họ hàng thân thích ở gần vừa mới gọi đã đến rồi.

Bạc Tô dặn dò nàng: "Nếu em sợ thì không cần đi xuống lầu, chút nữa có đồ gì ăn chị sẽ mang lên cho em. Hôm nay cũng không cần đi học, chị xin cho em nghỉ."

Khương Dư Sanh vẫn còn đang sửng sốt, nhìn cô vội vã xuống lầu, cũng không dám lại hỏi nhiều thêm, chỉ ngoan ngoãn gật đầu.

Sau đó, nàng ở trên lầu, đúng thật nhận được bữa sáng và cơm trưa mà Bạc Tô mang lên cho nàng. Toàn bộ quá trình đó nàng không biết gì hết, chỉ nghe thấy dưới lầu càng ngày càng có nhiều âm thanh, càng ngày càng ồn ào, cuối cùng, Bạc Lâm và mẹ nàng Khương Mi cũng đã trở lại.

Khương Mi vừa trở về đã mắng nàng: "Sao mày lại như thế hả? Một mình mày trốn ở trên lầu làm gì, không thấy có mỗi mình chị đang bận việc ở dưới à?"

Thật ra Khương Mi có chút bội phục Bạc Tô, một đứa trẻ còn nhỏ như vậy đối mặt với tình huống đột xuất như thế này, lại có thể bình tĩnh, thản nhiên đến thế, có thể như bình thường mà thực hiện quy trình xử lý tang sự trước cả khi bọn họ quay về, ngay cả một chút sợ sệt cũng không có.

Đặt lên bàn so sánh, bà ta cảm thấy con gái của mình không hề dùng được dù chỉ nửa điểm.

Bà ta giao phó Khương Dư Sanh: "Xuống lầu nhớ phải khóc, mọi người đều đang nhìn đấy, đừng có làm cho người khác phải chỉ vào mày gọi bạch nhãn lang, ăn cháo đá bát, hại tao mất mặt theo."

Thật ra Khương Dư Sanh không khóc được, nhưng bị mẹ đe doạ, nàng vẫn gật gật đầu.

Sau khi xuống lầu, nàng nhìn thấy Bạc Tô đang đứng cạnh Bạc Lâm, kế bên di thể của bà lão, lẫn vào cuối đám người trong phòng khách, xa xa nhìn nàng, nhăn đôi mày lại.

Trong một khắc đó không biết tại sao, Khương Dư Sanh vừa nhìn đã hiểu ------ Bạc Tô đang lo lắng cho nàng.

Nàng bị Khương Mi đưa đến bên di thể, cạnh Bạc Tô. Thừa dịp những người lớn xung quanh đang bận rộn bàn luận những việc cần làm kế tiếp, Khương Dư Sanh nắm tay Bạc Tô, nàng nói: "Chị, em không sợ."

Sắc mặt Bạc Tô thật tái nhợt, nhìn nàng hai giây, không nói gì, nhưng cũng không buông tay nàng ra.

Ngày ấy tay của Bạc Tô cũng giống như hôm nay, lạnh lẽo vô cùng.

Sau đó, mãi cho đến ngày đưa tang, cuối cùng Khương Dư Sanh vẫn khóc ra được ------ bởi vì Khương Mi đang giả khóc, giả khóc đồng thời cũng đang véo nàng. Nàng hoảng hốt, liền khóc, phân biệt không rõ là đau nên khóc, hay là do bầu không khí trầm buồn này làm nàng muốn khóc thật.

Nhưng từ đầu đến cuối, Bạc Tô không hề khóc, một giọt nước mắt cô cũng chưa từng rơi.

Vì không có kết hôn, không danh không phận, Khương Mi và Khương Dư Sanh đều không được xem là người nhà họ Bạc, không có tư cách đi bên cạnh quan tài phù linh. Trên đường đưa ma, hai người họ đi trong hàng ngũ người thân và bạn bè bình thường ở phía sau, loáng thoáng, Khương Dư Sanh nghe thấy có người đang đàm tiếu, nói cô bé nhà họ Bạc kia thật sự quá máu lạnh bạc tình, đã lớn như vậy rồi, cũng không còn ở độ tuổi không hiểu chuyện, bà nội ruột qua đời mà không hề nghe thấy nó kêu một tiếng, rơi một giọt nước mắt nào, y như một người xa lạ vậy.

"Đứa trẻ này, dì ba xem như là thương yêu vô ích rồi." Có người còn thở dài.

Đáy lòng Khương Dư Sanh bất bình thay cho Bạc Tô.

Nhìn Bạc Lâm khóc lớn tiếng thế kia, thật ra cũng không thấy ông ta hiếu thuận được bao nhiêu. Nàng và mẹ nàng cũng đều khóc, nhưng trong lòng hai người đều biết rõ rằng, bên trong tiếng khóc ấy có mấy phần là hư tình giả ý. Huống hồ, nàng biết, tình cảm giữa Bạc Tô và bà lão đúng thật là không có bao nhiêu nồng đậm sâu sắc.

Trong lòng nàng cảm thấy các người lớn đều thật dối trá, nàng cũng dối trá, khóc không được còn cố khóc cho ra. Chỉ có Bạc Tô, Bạc Tô đang mặc đồ tang thanh lãnh đi bên quan tài kia, là sự chân thật duy nhất bên trong thế giới dối trá giả tạo này. Dũng sĩ duy nhất.

Duy nhất sạch sẽ và thẳng thắn thành khẩn.

Bây giờ nghĩ lại, nhiều năm như vậy Bạc Tô chưa từng trở lại đảo, chưa từng ghé qua thăm mộ cũng là chuyện bình thường, cô vốn không phải người nặng tình, hay hoài niệm, không tham muốn hư danh, cũng không thích giao thiệp với những người giả tạo.

---------------------

Tác giả có lời muốn nói:

Ghi chú: Chuyện quan trọng nhắc lại ba lần, cho nên mình sẽ lại nhấn mạnh một lần nữa, Khương Mi và Bạc Lâm không có kết hôn, Khương Dư Sanh và Bạc Tô chưa từng có quan hệ thân thích theo huyết thống và pháp luật.

Năm mới rồi, bà lão nhớ phù hộ Sanh Sanh và Nặc Nặc xuôi gió xuôi nước nhé.

(*) Nguyên văn là 风水池, trong đó 池 nghĩa là ao, hồ, còn 风水 là phong thuỷ, từ này thì gần gũi với người Việt Nam nên mình cũng không biết dịch như thế nào. Mình không rành lắm về bia mộ nhưng tìm được vài hình ảnh những ngôi mộ có xây thêm một cái ao (?) xung quanh, nhìn khá lạ nên chắc là thuộc về truyền thống của Trung Quốc.

Tuyết ý thanh hàn (雪意清寒): thanh nhã, xinh đẹp sáng lạn nhưng có nét lạnh lùng, cao ngạo như tuyết trắng

Chi lan dục tú (芝兰毓秀): theo như mình tra thì có một bạn người Trung giải thích như thế này:

"Những lời này là để hình dung cảnh sắc tươi đẹp ở đầu mùa xuân, hơn nữa còn ngụ ý có những chuyện tốt đẹp sắp diễn ra.

Trong đó, "Chi lan" là một loại hương thảo, được dùng để miêu tả những sự vật tốt đẹp, thêm "Dục tú" còn chỉ việc bung nở ra những cảnh sắc tú mỹ.

Cho nên, toàn bộ câu ý tứ là, đầu mùa xuân tú mỹ cảnh sắc biểu thị tin tức tốt hoặc chuyện tốt tiến đến."

Một bạn khác cũng giải thích tương tự:

"Chi lan là hình dung cảnh sắc tốt đẹp đầu mùa xuân, dục tú cũng là hình dung sự vật tốt đẹp. Toàn bộ câu ý là đang mượn cảnh trữ tình, nói nôm na là, những cảnh sắc tươi đẹp đầu mùa xuân đang khoe nở, cũng đang dự liệu những chuyện tốt."

Như vậy mình nghĩ theo văn cảnh, có thể hiểu là tại một nơi hoang vắng như vậy, sự xuất hiện của Bạc Tô như một cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp, vẽ thêm sắc màu hoa lệ cho nơi núi đồi khô cằn đó, ngụ ý những chuyện tốt đẹp rồi sẽ đến như cách cô làm sống động bức tranh trước mắt Khương Dư Sanh vậy.

(Delulu tí, có thể chỗ này tác giả ẩn dụ, hoặc editor chế há há, nhưng mà biết đâu mảnh đất cằn cỗi này cũng đại diện cho trái tim Khương Dư Sanh thì sao, nghĩ lại thì cũng đúng đó, từ khi Bạc Tô xuất hiện, Khương Dư Sanh mới nếm lại những cái rung động, những lần tim đập như trống, rồi sau này hai người sẽ về lại bên nhau, trái tim cũng sống lại, cũng trở nên đầy ắp gió xuân như mảnh đồi núi hôm nay nhờ vào sự xuất hiện của Bạc Tô.)

Phù linh (扶灵): hộ tống đưa linh cữu đi an táng

Yeee không biết bằng một thế lực thần bí nào mà hôm nay mình dịch chương này nhanh ghê, khoảng gần 12 tiếng thôi =))) huhu bình thường nhanh là phải tầm 1,5-2 ngày. Lúc type dòng này là 0:35 sáng, nhìn mấy tấm mồ mã tự nhiên cũng hơi sợ ma huhu.

Bạc Tô hồi xưa lạnh lùng với em bao nhiêu giờ mặt dày bấy nhiêu =)) ngược nữa đi tôy thích lắm há há há. Cơ mà Khương Dư Sanh nói vậy vì bả không muốn nhận lời cảm ơn của Bạc Tô thôi, chứ thật ra quét tước mộ cho bà lão cũng là vì bả biết điều chứ không phải vì tư tâm gì đâu. Còn Bạc Tô, sau này mọi người sẽ biết, thật ra những năm trước bả có muốn về thăm cũng không được.

Dịch chương này tôy cảm thấy thật kì cục, biết là không nên cười nhưng có mấy đoạn vô tri trong chương này. Ví dụ như Bạc Tô đi lên núi mà đi giày cao gót mặc quần trắng huhu, hên là việc đi tảo mộ là ngoài dự kiến chứ không chắc tôy chầm zn với bả. À mà bả còn vác theo cái lẵng hoa, coi bộ cũng nhọc nhằn hen 🥲. Bị Khương Dư Sanh phán xét cũng vừa.

Còn combo "Bà lão nào?" - "Bà lão sống dưới lầu." nữa, tôy đã cười, tôy xin nhảy xuống địa ngục trước.

Trước khi xuống địa ngục thì tôy muốn nói một câu sau cuối: tôy quá mệt mỏi với điển cố điển tích, danh ngôn thành ngữ Trung Quốc rồi 😭.

Comment